06/06/2019 409 Lượt xem 2.00

Đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế: Thực tiễn và kinh nghiệm của Việt Nam

Đại Đại  hội XII của Đảng đã đánh giá tổng quát những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại. Ảnh: TTXVN

 

Hơn 30 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo việc tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới đất nước là một trong những chặng đường sáng tạo, tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Trong suốt hành trình ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến việc nhìn nhận bối cảnh quốc tế với cả sự vận động lẫn chiều hướng phát triển của nó, giúp cho các định hướng và đường lối đối ngoại luôn bám sát bước đi của nhân loại, tận dụng được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, góp phần quan trọng đưa đất nước vững bước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đánh giá về thực tiễn và kinh nghiệm trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 30 năm qua, có thể đề cập trên các nội dung chính yếu sau.

Nắm bắt xu thế chung của thời đại, xây dựng và thực hiện chính sách đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển 

Để hình thành chính sách đối ngoại đúng đắn, vấn đề nhận thức về thời đại, về tình hình thế giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Điểm lại quá trình nhận thức của Đảng ta về thời đại và tình hình thế giới, khu vực, có thể thấy rõ những bước tiến có tính khoa học, thể hiện trên một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, nhận thức về thời đại và thế giới đương đại luôn có tính khoa học, nhất quán và xuyên suốt. 

Dù thế giới có nhiều đổi thay nhưng Đảng ta vẫn khẳng định: Thời đại hiện nay là thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới; bắt đầu từ Cách mạng Tháng Mười Nga (năm 1917). Đây là một thời đại lịch sử dài, trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn với tính chất và nội dung các mâu thuẫn cũng như những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội không giống nhau. Thế giới có thể thay đổi nhưng thời đại theo nghĩa rộng không thay đổi. Trên cơ sở nhận thức như vậy, Đảng đã định ra đường lối chiến lược đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam vững bước đạt từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhận thức của Đảng về thời đại như vậy không cứng nhắc, nhất thành bất biến mà có sự điều chỉnh theo những thay đổi của tình hình thế giới trong từng thời kỳ. Trên cơ sở tiếp thu khách quan, có chọn lọc những nhận thức và cách tiếp cận mới về thời đại, Đảng đã phát triển lý luận và cụ thể hóa những vấn đề của thời đại bằng cách đưa ra nội dung “giai đoạn hiện nay của thời đại”. Tùy từng thời điểm 5 năm hoặc 10 năm, Đảng nhấn mạnh những đặc điểm nổi bật của thế giới về chính trị, kinh tế, xã hội và những xu thế vận động của thế giới. Văn kiện Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Trên thế giới, trong những năm tới tình hình sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn ngày càng tăng. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia(1). Thực tế cho thấy nhận thức, quan điểm của Đảng về bối cảnh thế giới rất sát hợp với diễn biến hiện nay.

Thứ hai, xác định rõ, đúng đắn phương hướng, nhiệm vụ của công tác đối ngoại.

Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức ngày càng sâu sắc việc xác định mục tiêu tối thượng của chính sách đối ngoại là lợi ích quốc gia - dân tộc; xác định rõ hơn vai trò của công tác đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhận rõ hơn quan hệ giữa giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa với mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, sự cần thiết phải tăng cường nội lực để công tác đối ngoại phát huy hiệu quả hơn. 

Đảng xác định phương châm và định hướng lớn đối với công tác đối ngoại là hòa bình, hợp tác và phát triển. Trong khi xác định hợp tác và phát triển là xu thế chung, nhưng Đảng cũng thấy rõ hợp tác đi đôi với đấu tranh, cạnh tranh để bảo vệ lợi ích chính đáng của quốc gia, đồng thời đấu tranh, cạnh tranh theo luật pháp quốc tế để hợp tác tốt hơn và không dẫn đến đối đầu. Để thực hiện điều đó, trong những mối quan hệ chằng chịt, phức tạp hiện nay trên thế giới, đòi hỏi phải có chính sách đối ngoại mềm dẻo cùng với phương thức ngoại giao khôn khéo để vừa bảo vệ bằng được lợi ích quốc gia, vừa gìn giữ hòa bình. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ công tác đối ngoại là: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại... là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”(2).

Thực hiện đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển, trong những năm qua Việt Nam đã mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, thiết lập quan hệ ổn định, lâu dài với các nước, tạo lập được môi trường hòa bình, tranh thủ yếu tố thuận lợi của môi trường quốc tế để phát triển. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước có quan hệ truyền thống, các vùng lãnh thổ trên thế giới trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị, tiếp tục từng bước đưa quan hệ với các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định hơn. Chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 16 nước, quan hệ đối tác toàn diện với 10 nước; nâng cao hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp ngày càng tích cực và có trách nhiệm vào đời sống chính trị khu vực và thế giới, phát huy vai trò tích cực trong cộng đồng ASEAN. Cùng với việc tăng cường ngoại giao nhà nước, quan hệ đối ngoại đảng và đối ngoại nhân dân được mở rộng, đã nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương.

Đại hội XII của Đảng đã đánh giá tổng quát những kết quả quan trọng của công tác đối ngoại: “Môi trường hòa bình thuận lợi cho phát triển, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ tiếp tục được giữ vững. Quan hệ đối ngoại được mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu. Quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong ASEAN được củng cố. Đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều đối tác quan trọng... Chủ động, tích cực tham gia các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nâng cao vị thế của đất nước...”(3).

Có thể khẳng định, thành công của việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng trong hơn 30 năm đổi mới là góp phần quan trọng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần xây dựng môi trường quốc tế hòa bình, độc lập, hợp tác, phát triển và tin cậy lẫn nhau; tạo nguồn lực quan trọng từ bên ngoài để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đã đóng góp đầy trách nhiệm trong việc tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế 

Hiện nay, nếu như toàn cầu hóa không còn là một xu hướng nữa mà đã là một quá trình vận động mạnh mẽ của thế giới, thì hội nhập quốc tế đang là lực hấp dẫn, đang lôi cuốn đối với mọi quốc gia. Dưới tác động của toàn cầu hóa, nhu cầu hội nhập quốc tế cũng xuất hiện. Toàn cầu hóa là tất yếu thì hội nhập quốc tế cũng là một đòi hỏi khách quan. Nhận rõ những chuyển biến khách quan và vô cùng mạnh mẽ đó, trong suốt hành trình hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, qua các kỳ đại hội và các hội nghị Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước hình thành và lãnh đạo tổ chức thực hiện định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng của toàn xã hội, của các tầng lớp nhân dân. Hội nhập quốc tế trên cơ sở phát huy tối đa nội lực; gắn kết chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nâng cao sức mạnh tổng hợp và năng lực cạnh tranh quốc gia; gắn kết chặt chẽ với việc tăng cường mức độ liên kết giữa các vùng, miền, khu vực trong nước. Hội nhập kinh tế quốc tế là trọng tâm, hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển văn hóa xã hội; hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực phải được thực hiện đồng bộ trong một chiến lược hội nhập quốc tế tổng thể với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của đất nước.

Triển khai mạnh mẽ định hướng chiến lược quan trọng này, trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã được xác lập đi vào thực chất. Có thể đánh giá thực trạng mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam trên một số lĩnh vực cụ thể cơ bản.

Thứ nhất, hội nhập kinh tế quốc tế 

Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhật Bản, Chi-lê, Liên minh châu Âu (EU), Hàn Quốc; Việt Nam cùng ASEAN ký kết FTA với Ấn Độ, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, các nhà đầu tư nước ngoài có sự chuyển hướng sang Việt Nam, một đất nước ổn định về chính trị và kinh tế vĩ mô, có nguồn lao động dồi dào, chi phí thấp. Trong những năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt mức bình quân gần 11 tỷ USD/năm, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 214 tỷ USD, gấp hơn 40 lần kim ngạch xuất khẩu năm 1995 (năm Việt Nam bắt đầu hội nhập kinh tế quốc tế, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 5 tỷ USD). Việc ký kết và chuẩn bị triển khai FTA thế hệ mới tạo cơ hội mở rộng đa dạng hóa thị trường với mức ưu đãi cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu và quá trình định hướng các định chế, cơ chế, cấu trúc kinh tế khu vực và quốc tế. Người tiêu dùng có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, giá cả cạnh tranh, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường.

Thứ hai, hội nhập quốc tế về văn hóa - xã hội, môi trường

Ở cấp khu vực, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam đóng vai trò tích cực vào việc xây dựng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, hướng tới “sự thống nhất trong đa dạng”. Ở cấp độ toàn cầu, Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các thể chế, diễn đàn đa phương về văn hóa, như Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), Cộng đồng Pháp ngữ, Ủy ban Di sản thế giới. Không chỉ tham gia và thực hiện các cam kết, với tư cách là thành viên của các tổ chức quốc tế, Việt Nam còn đóng góp vào việc sửa đổi, hoàn thiện, xây dựng mới các chuẩn mực, sáng kiến của các tổ chức đó.

Quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa - xã hội giúp Việt Nam mở rộng khả năng tiếp cận các nền văn hóa khác nhau; tiếp thu các giá trị tiên tiến của nhân loại; học tập những kinh nghiệm tốt để giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc, kết hợp tốt hơn văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại; tận dụng các cơ hội để quảng bá văn hóa và những giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Hội nhập quốc tế về môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giúp cho đất nước và Đảng những kinh nghiệm quý, tăng thêm nguồn lực để có những chính sách và giải pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống, làm giảm thiểu những thảm họa thiên nhiên, bảo đảm an ninh quốc gia và an toàn cho con người.

Thứ ba, hội nhập quốc tế về chính trị, quốc phòng - an ninh 

Ở cấp độ song phương, hội nhập quốc tế về chính trị của Việt Nam trong những năm qua có bước chuyển căn bản từ chú trọng mở rộng quan hệ với các nước sang đưa mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu và ổn định. Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương với các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn, các nước bạn bè truyền thống và các đối tác tiềm năng. 

Về quốc phòng - an ninh, Việt Nam hội nhập từng bước trong những tình huống và thời điểm cụ thể. Đó là tham gia hầu hết các diễn đàn an ninh khu vực, như các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN. Ở cấp toàn cầu, Việt Nam tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol từ năm 1990 và tham gia Diễn đàn Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN. Tháng 5-2014, Việt Nam đã chính thức cử sĩ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Quan hệ quốc phòng - an ninh song phương được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ quốc phòng với hơn 80 nước, bao gồm tất cả các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; đã ký 50 hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác tương trợ tư pháp hình sự chống tội phạm, phòng, chống ma túy với các nước. Quan hệ quốc phòng - an ninh đa phương có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả.

Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đối ngoại vì hòa bình, hợp tác, phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, có thể rút ra một số kinh nghiệm bước đầu.

Một là, bảo đảm và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của toàn dân trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đối ngoại vì hòa bình, hợp tác, phát triển; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, lợi ích tối cao của dân tộc, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam chủ động, nhất quán tham gia bảo vệ hòa bình, hợp tác và phát triển, đẩy mạnh thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tạo dựng khuôn khổ quan hệ hợp tác bình đẳng, ổn định, lâu dài, đi vào chiều sâu, cùng có lợi, tạo sự đan xen lợi ích địa chính trị chiến lược; đẩy lùi, làm thất bại mọi hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, nhận thức đúng đắn bối cảnh thế giới và tình hình đất nước, chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao năng lực dự báo, phân tích các diễn biến trước mắt và dài hạn để nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, kịp thời chỉ đạo và điều hành các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Việc thực hiện các cam kết quốc tế trong đối ngoại và hội nhập quốc tế vừa đòi hỏi, vừa tạo điều kiện để Đảng đổi mới tư duy lý luận về thời đại, thế giới đương đại; mở rộng quan hệ với các đảng, tăng cường đối ngoại đảng, nâng cao vị thế quốc tế của Đảng và của đất nước; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Từ đó, Đảng lãnh đạo việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật theo tiêu chí quốc tế, bảo đảm cho đất nước có điều kiện thích ứng cao với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh quốc tế và khu vực.

Ba là, luôn bảo đảm tính mục đích và thiết thực của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, hướng tới mục tiêu tối thượng là lợi ích quốc gia dân tộc, phát triển đất nước, bảo vệ chế độ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè thế giới. Thông qua thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng thương mại, hợp tác lao động, thu hút đầu tư, du lịch, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tạo nhiều việc làm, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân. Hợp tác văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ... tạo cơ hội để các tầng lớp nhân dân tiếp cận tri thức và giá trị tốt đẹp của nhân loại, từ đó nâng cao trình độ học vấn, mặt bằng dân trí và đời sống tinh thần của nhân dân.

Bốn là, nhận rõ những tác động không thuận và những thách thức trong thực hiện chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Trong môi trường hội nhập quốc tế, các biến động bất lợi của đời sống chính trị, kinh tế thế giới và khu vực tác động nhanh và mạnh đến kinh tế Việt Nam thông qua kênh thương mại, đầu tư, tài chính tiền tệ... Quá trình đó còn có thể làm gia tăng nguy cơ bất ổn về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Mở cửa, tự do hóa, hội nhập làm cho những biến động xấu, tiêu cực về môi trường an ninh ở khu vực và thế giới, như khủng bố, tội phạm quốc tế, hành vi xâm phạm an ninh mạng... có cơ hội xâm nhập vào Việt Nam. Tình hình đó tác động vào lĩnh vực chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội. Không những thế, các thế lực thù địch, phản động có thể lợi dụng bối cảnh hội nhập quốc tế để đẩy mạnh hoạt động phá hoại kinh tế thông qua hợp tác, đầu tư tác động vào nội bộ, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”. 

Để tận dụng thời cơ, khắc phục những nguy cơ trong quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế, Đảng ta xác định giải quyết hợp lý giữa các mối quan hệ: quan hệ giữa bảo đảm độc lập, tự chủ của đất nước với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; giữa quyền lợi và nghĩa vụ của đất nước với những vấn đề bất lợi đặt trong các thể chế quốc tế; giữa mục tiêu kinh tế - xã hội trong nước với những yêu cầu và đòi hỏi của bên ngoài; giữa các vấn đề kinh tế - thương mại với các lĩnh vực khác. Trong chỉ đạo, điều hành vấn đề quan trọng là kịp thời thích ứng, phản ứng linh hoạt, khai thác tốt các lợi thế so sánh, học tập và tiếp thu những điều tốt đẹp của bạn bè quốc tế, điều chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, yếu kém của mình./.

-----------------------------------------------

(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 70 - 71, 153

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 151 - 152

Vũ Văn HiềnGS, TS, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Bài đăng trên báo điện tử tạp chí cộng sản

 

Lê Thị Thủy (sưu tầm)

16/GPMT-UBND

GIẤY PHÉP MÔI TRƯỜNG - CÔNG TY THỦY ĐIỆN QUẢNG TRỊ [...]

05/03/2024

1639/BC-TĐQT

V/v báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ trong tháng... [...]

10/12/2023

1436/TĐQT-KHVT

Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình hành động triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ trong tháng 10/2023 tại Công ty... [...]

07/11/2023

Liên kết website

  THÔNG TIN BẢN QUYỀN


- Bản quyền thuộc về: CÔNG TY THỦY ĐIỆN QUẢNG TRỊ

- Thiết kế bởi: VNPT QUẢNG TRỊ
Số 20 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Tp Đông Hà, Tỉnh Quảng Trị

  THÔNG TIN LIÊN HỆ


CÔNG TY THỦY ĐIỆN QUẢNG TRỊ
- Địa chỉ: Khu phố 8, Phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị
- Điện thoại: (0233) 3.511.168
- FAX: (0233) 3.575.468
- Email: congtythuydienquangtri@gmail.com

 THỐNG KÊ TRUY CẬP


Online
16

Tổng truy cập
Tổng truy cập
323,454